Len lỏi vào các tuyến đường sâu trong những cánh đồng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, hình ảnh những cánh đồng lúa bạt ngàn trước đây giờ đã không còn. Thay vào đó là những mảnh vườn sầu riêng vừa mới trồng.
Tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL như Hậu Giang, Cần Thơ..., "phong trào" nhà nhà, người người đua nhau trồng sầu riêng cũng khá sôi động.
Bỏ lúa trồng sầu riêng
Giữa trưa nắng, ông Lê Huỳnh Hiệp (53 tuổi, thị xã Cai Lậy) chở máy bơm ra vườn lắp đặt để chuẩn bị cho việc tưới sầu riêng. Khoảng 5 công (5.000m2) sầu riêng của ông Hiệp trước đây là ruộng lúa nên nằm khá sâu, ông phải tháo nước hai ba hôm trước để thuận tiện cho việc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước.
Gắn bó với cây lúa bao đời nay nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua khiến lợi nhuận từ cây lúa không còn, gia đình ông Hiệp đã quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái. "Cây mít từng là lựa chọn số 1 với nhà vườn nhưng bây giờ người ta đang dần chuyển qua cây sầu riêng. Sầu riêng đang rất có giá, không trồng thì biết trồng cây gì", ông Hiệp nói.
Trên diện tích khoảng 5 công đất lúa, ông Hiệp đã lên mô trồng khoảng 90 gốc sầu riêng với vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Hiệp còn trồng xen cây mai vàng để vài năm tới bán kiếm thêm thu nhập. Dù chưa có bất kỳ nguồn thu nào nhưng ông Hiệp vẫn tin rằng khi sầu riêng cho trái sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cây lúa.
Đang nhổ cỏ trong mảnh vườn hơn 2 công của gia đình tại thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, bà Võ Thị Tám cho biết trước đây trồng mít Thái nhưng mới cho thu hoạch được vài năm nhưng cây bị sâu bệnh nên đang chuyển dần qua trồng sầu riêng. Toàn bộ khu vườn vốn trồng mít trước đây được bà Tám trồng xen sầu riêng và sẽ đốn bỏ mít khi sầu riêng bắt đầu tạo tán.
"Hồi mới chuyển từ trồng lúa sang trồng mít, thu nhập rất khá vì hồi đó mít gần cả trăm ngàn mỗi ký. Nhưng chỉ được một thời gian thì mít mất giá, bán không ai mua nên gia đình tôi đã bỏ phế và trồng xen sầu riêng. Giờ mít bán được tầm 30.000 đồng mỗi ký, giá vậy là ngon rồi nhưng lại không còn trái để bán. Hy vọng chuyển qua trồng sầu riêng thì giá cả sẽ ổn định hơn", bà Tám nói.
Không chỉ Tiền Giang, ngay cả những địa phương như TP Cần Thơ, Hậu Giang... cũng ồ ạt chuyển qua trồng loại cây này.
Sau khi trồng nhiều loại cây ăn trái như sapôchê, vú sữa... và đều không hiệu quả, ông Bùi Kiên (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng đã quyết định trồng sầu riêng dù không hề có kinh nghiệm về loại cây trồng hoàn toàn mới mẻ này.
"Thời gian đầu mới trồng thấy cây sầu riêng tươi tốt nhưng sau đó héo dần không hiểu vì lý do gì", ông Kiên nói và cho biết không biết về kỹ thuật nhưng thấy loại cây này đang thịnh và chưa bao giờ phải "giải cứu" nên trồng theo.
Tương tự, ông Trung Hiếu (huyện Phong Điền, Cần Thơ) có hơn 1ha trồng chanh cũng tính đến việc chuyển sang trồng sầu riêng.
Diện tích sầu riêng tăng từng ngày!
Ông Nguyễn Văn Út Em - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền - thừa nhận có tình trạng nông dân đang chạy theo trồng cây sầu riêng, sau khi có thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, cộng với giá bán đang cao ngất ngưởng trong thời gian gần đây.
Theo quy hoạch định hướng của địa phương, diện tích trồng sầu riêng khoảng 2.000ha nhưng đến nay đã có 2.100ha trồng sầu riêng. "Chúng tôi đang khuyến cáo bà con chậm lại, cải tạo từng bước có lộ trình chứ không chặt phá cây khác mà chuyển sang cây sầu riêng", ông Út Em nói.
Theo ông Trần Thái Nghiêm - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, địa phương này cũng có tình trạng nông dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng, với tổng diện tích đến nay vào khoảng 2.500ha.
Cần Thơ đã gửi 33 hồ sơ vùng trồng, diện tích 710,8ha (824 hộ), phía Trung Quốc kiểm tra được 8 vùng, diện tích hơn 175ha (169 hộ). "Chúng tôi tiếp tục rà soát để cấp mã số vùng trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy định về xuất khẩu", ông Nghiêm nói.
Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành có 562ha trồng sầu riêng, trong đó diện tích cho trái trên 187ha.
Ông Đỗ Trung Nam - chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành - cho biết địa phương này đã xây dựng và đăng ký chờ phía Trung Quốc cấp hai mã số vùng trồng diện tích 50ha tại xã Đông Phước (40ha) và thị trấn Mái Dầm 10ha.
"Thay thế cây mít, cam..., cây sầu riêng vẫn chiếm ưu thế. Nông dân cứ nghĩ có giá cao là trồng chứ ít nghĩ đến quy trình trồng cây sầu riêng xuất khẩu được là vấn đề không hề dễ, phải bỏ công sức, kinh phí, kỹ thuật và thời gian", ông Nam nói và cho biết Hội Nông dân huyện đã phối hợp ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để được cấp mã số vùng trồng và có tuân thủ như thế mới xuất khẩu được.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng tại địa phương là 17.653ha, tăng mạnh so với con số 14.510ha vào năm 2020.
Trong khi đó, theo đề án "Phát triển cây sầu riêng đến năm 2025", Tiền Giang sẽ có vùng chuyên canh cây sầu riêng đạt 17.000ha. Như vậy, diện tích sầu riêng đã đạt mục tiêu thực hiện đến năm 2025, chưa kể diện tích trồng vẫn đang tăng lên hằng ngày.
Tại buổi kiểm tra, khảo sát thực địa về tình hình phát triển cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang mới đây, ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - khuyến cáo rằng việc chuyển đổi cây
sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái nói chung không nên thực hiện ồ ạt bởi sẽ thiếu đi nguồn giống chất lượng cao để đáp ứng.
"Cây ăn trái cần có thời gian dài để chăm sóc, nếu chất lượng không đạt sẽ mang hiệu quả thấp, thậm chí thiệt hại cho bà con", ông Tùng khuyến cáo.